TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng ĐH Duy Tân nhận giải thưởng
Giải thưởng được trao vào ngày 23-12-2020, trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2020. Duy Tân cũng là đại học duy nhất trong cả nước được nhận giải trong diễn đàn năm nay giữa các doanh nghiệp "đại gia" về phần mềm của Việt Nam.
Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số - MAKE IN VIET NAM
Sản phẩm Công nghệ số - MAKE IN VIET NAM là giải thưởng mang tầm quốc gia lần đầu tiên được Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức để khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số quốc gia nhằm góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.
Các sản phẩm tham dự được đánh giá theo hai tiêu chí chung là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và giải các bài toán Việt Nam. Giải thưởng được chia theo 5 hạng mục:
- Giải thưởng Nền tảng Số xuất sắc,
- Giải thưởng Sản phẩm Số xuất sắc,
- Giải thưởng Giải pháp Số xuất sắc,
- Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số (thành thị - nông thôn, hỗ trợ người yếu thế, hạn chế mặt trái của công nghệ số),
- Giải Sản phẩm Số tiềm năng.
Trong thời gian phát động kéo dài từ ngày 19-8 đến 20-10-2020, Ban tổ chức đã nhận được 239 sản phẩm công nghệ từ nhiều cá nhân, đơn vị. Trải qua những vòng xét duyệt, thuyết trình, thẩm định nghiêm ngặt, Ban Tổ chức đã chọn ra 50 sản phẩm vào Top 10 ở 5 hạng mục Giải thưởng MAKE IN VIETNAM.
Đây đều là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số. Và, ở hạng mục Giải thưởng Sản phẩm Số tiềm năng, sản phẩm Mô phỏng 3D Giải phẫu Cơ thể và Răng - Miệng người của nhóm tác giả đến từ ĐH Duy Tân đã vinh dự được trao giải Nhì.
Ứng dụng 3D trong Y học - Giải thưởng Sản phẩm Số tiềm năng
"Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" là sản phẩm gốc đã được các nhà khoa học của ĐH Duy Tân nghiên cứu trong nhiều năm.
Các nhà khoa học đã tạo ra một cơ thể người hoàn chỉnh bằng công nghệ 3D với 3.924 chi tiết, mô phỏng đầy đủ các hệ cơ quan trong cơ thể người như: xương, cơ, mạch máu, tim, hệ thần kinh,... Đặc biệt, với Ứng dụng 3D trong Y học năm nay, nhóm tác giả của ĐH Duy Tân đã xây dựng thêm được Hệ thống Mô phỏng và Thực hành Nha khoa - 3D Dental, bao gồm:
- Mô phỏng răng và quá trình mọc răng;
- Đưa ra những thông tin (tuổi mọc răng, cấu trúc răng-miệng, mốc giải phẫu,…) cần thiết phục vụ các công tác học tập và nghiên cứu;
- Cho phép thực hành nha khoa về quy trình cấy ghép Implant, xử lý nha khoa cơ bản,...
Ứng dụng 3D Giải phẫu Cơ thể & Nha Khoa Người của ĐH Duy Tân đã đạt nhiều hiệu quả hỗ trợ công tác dạy và học tại trường
Các chi tiết giải phẫu của Ứng dụng 3D Giải phẫu Cơ thể và Răng - Miệng người được mô phỏng hoàn toàn theo đặc điểm nhận dạng và đặc điểm giải phẫu của người Việt. Các dữ liệu trong ứng dụng được tích hợp 2 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh) trong khi đó các thông tin giải phẫu được dữ liệu hóa, mô tả và giải thích bằng 3 ngôn ngữ chính là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Latin.
Ứng dụng hỗ trợ người học nhìn thấy trực quan từng cơ quan, từng chi tiết giải phẫu cụ thể và có thể tương tác trực tiếp (xoay, ẩn, hiển thị, di chuyển, đánh dấu, diễn hoạt cử động,…) trong không gian 3 chiều qua máy chiếu 3D, kính 3D, các loại kính hỗ trợ VR (Virtual Reality) như: Oculus Rift, gear VR, HTC Vive,… hoặc tương tác qua máy tính để bàn và xách tay (trên nền Windows, Mac, Linux), qua điện thoại thông minh và máy tính bảng (hệ điều hành Android hoặc iOS).
TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Ứng dụng 3D Giải phẫu Cơ thể và Răng - Miệng nguời, chúng tôi mong muốn góp phần khắc phục được tình trạng giảng dạy lý thuyết ‘chay’ ở một số trường học hay cơ sở đào tạo y khoa, giúp sinh viên có cái nhìn trực quan về cơ thể người ở các góc độ khác nhau và tự tích lũy được kinh nghiệm trong suốt quá trình học tập, từ đó sẽ tự tin hơn khi bước vào tác nghiệp thực tế.
Hiện tại, sản phẩm của chúng tôi đã và đang được đưa vào giảng dạy cho sinh viên khối ngành Khoa học Sức khỏe tại ĐH Duy Tân và đã nhận được những phản hồi rất tích cực của giảng viên và sinh viên."
Dự kiến, trong thời gian tới, ĐH Duy Tân sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm để có thêm nhiều tính năng nữa, phục vụ đắc lực hơn nữa cho việc giảng dạy và nghiên cứu Y khoa.