Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn Việt Nam
Được chính thức phát động vào tháng 12-2011 trong Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông & Công nghệ Thông tin ASEAN TELMIN lần thứ 11 tại Myanmar, sau 6 năm, ASEAN ICT Awards đã trở thành giải thưởng uy tín trong lĩnh vực ICT của khu vực ASEAN.
Năm 2018, có 98 sản phẩm đến từ 10 nước trong khu vực ASEAN tham gia tranh tài trong 6 hạng mục chính gồm: Lĩnh vực nhà nước, Lĩnh vực tư nhân, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Nội dung số, Doanh nghiệp khởi nghiệp, và Nghiên cứu và phát triển (R&D).
Việt Nam có 11 sản phẩm gửi đến tham dự nhưng chỉ duy nhất có AnatomyNow của ĐH Duy Tân lọt vào vòng Chung kết ASEAN ICT Awards 2018.
Thành viên ban giám khảo là các đại biểu đến từ 10 nước ASEAN và 3 nước có nền kinh tế phát triển ở châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đánh giá cao sản phẩm của ĐH Duy Tân bởi tính khả thi cũng như ý nghĩa áp dụng vào thực tiễn. Nhờ vậy, sản phẩm của ĐH Duy Tân đã xuất sắc mang về cho Việt Nam giải bạc hạng mục Nghiên cứu và phát triển (R&D). Giải thưởng này một lần nữa khẳng định được năng lực trong công tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm vì cộng đồng của ĐH Duy Tân.
Giấy chứng nhận sản phẩm giành giải Bạc của ĐH Duy Tân (ảnh trái) và Linh vật kỷ niệm chương trình của chủ nhà Indonesia đăng cai ASEAN ICT Awards 2018 (ảnh phải)
AnatomyNow là phiên bản mobile và tablet phát triển từ "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" do nhóm tác giả gồm Lê Nguyên Bảo, Lê Văn Chung, Trịnh Hiệp Hòa, Lê Khắc Triều Hưng, Nguyễn Lương Thọ, Nguyễn Minh Đức và Lê Hoàng Quốc Bảo thực hiện.
Là một trong những tác giả thực hiện sản phẩm AnatomyNow và nhận giải bạc tại ASEAN ICT Awards 2018, TS. Lê Nguyên Bảo, hiệu trưởng ĐH Duy Tân cho biết: "Sự đa dạng và chất lượng của các sản phẩm gửi đến tham dự ASEAN ICT Awards 2018 đã cho thấy sức phát triển ‘nóng’ của các quốc gia trong vùng trong việc tạo ra các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân.
Không chỉ tại Việt Nam, các nước trong khu vực ASEAN đang tiến rất nhanh trong việc xác lập công nghệ thông tin thành một ngành mũi nhọn, là nền tảng hỗ trợ các lĩnh vực khác phát triển và thúc đẩy các trường đại học có uy tín trong đào tạo công nghệ thông tin trở thành những ‘vườn ươm’ cho các sản phẩm hữu ích cho xã hội và cộng đồng".